Những chuyện thú vị bên lề về hãng bán hàng trực tuyến Amazon
Tên ban đầu của Amazon không phải là... Amazon, ông chủ Jeff Bezos có thể "hét ra lửa" hay nhân viên công ty được phép hét vào mặt sếp để giải tỏa căng thẳng.
Khi Amazon ra mắt năm 1995 với tư cách website bán sách, ông chủ Jeff Bezos đã nung nấu tham vọng trở thành kẻ thống trị trên mặt trận thương mại điện tử. Ngay từ ban đầu, ông đã biết mình muốn Amazon là “cửa hàng bán mọi thứ”.
Trong cuốn sách mới nhất về Amazon có tên “The Everything Store: Jeff Bezos and the Age of Amazon”, tác giả Brad Stone vẽ lên bức tranh ít người biết đến về những ngày đầu của Amazon và quá trình trưởng thành đến ngày nay.
Dưới đây là một số tiết lộ thú vị trong cuốn sách này.
“Amazon” không phải tên ban đầu của công ty
Jeff Bezos muốn đặt một cái tên nghe có vẻ ảo diệu là “Cadabra”. Dù vậy, luật sư đầu tiên của Amazon, Todd Tarbert, thuyết phục rằng cái tên này phát âm khá giống với “Cadaver” (thử thi), đặc biệt khi nghe qua điện thoại.
Bezos lại chọn tên “Relentless” song không thành (ngày nay nếu truy cập trang Relentless.com, nó sẽ điều hướng sang trang chủ Amazon). Cuối cùng, ông chọn tên “Amazon” vì đây là tên con sông lớn nhất thế giới.
Những ngày đầu háo hức của Amazon
Thời gian đầu thành lập, Amazon đặt một quả chuông để reo mỗi khi có ai đó mua hàng. Khi đó, mọi người sẽ xúm lại để xem họ có biết khách hàng này không. Tuy nhiên, chỉ vài tuần sau, quả chuông đã bị tháo vì nó kêu ngày càng thường xuyên. Ngoài ra, Amazon ban đầu hoạt động tại nhà kho của Bezos.
Trong những tháng đầu tiên, Amazon đã bán sách cho khách hàng tại tất cả 50 bang của Mỹ và 45 nước khác nhau.
Jeff Bezos muốn nhân viên làm việc ít nhất 60 tiếng/tuần
Một trong số những nhân viên đầu tiên của Amazon trải qua 8 tháng làm việc quần quật, đạp xe từ nhà đến chỗ làm vào lúc sáng sớm và chỉ quay về khi đã tối mịt, đến nỗi quên cả chiếc xe hơi mà mình đang đỗ ở gần nhà.
Ông thậm chí còn không có thời gian đọc thư, và khi đọc được, ông phát hiện một loạt vé đỗ xe chưa thanh toán, một thông báo cho biết xe sẽ bị cẩu đi, vài cảnh báo từ công ty lai dắt xe và cuối cùng là lá thư thông báo xe đã bị bán trong một cuộc đấu giá.
Mùa lễ điên cuồng đầu tiên của Amazon
Giáng sinh năm 1998, công ty thiếu người trầm trọng, mỗi nhân viên đều phải làm ca ba để đáp ứng đơn đặt hàng. Họ có thể mang theo cả gia đình, bạn bè đến làm cùng và thường ngủ trong xe hơi trước khi bước sang ngày làm việc tiếp theo.
Sau lần đó, Amazon thề không bao giờ để thiếu hụt nhân công trong kỳ nghỉ một lần nữa. Đó là lý do vì sao hãng thuê rất nhiều lao động thời vụ ngày nay.
Bezos muốn tiến lên thật nhanh, dẫn đến nhiều hỗn loạn
Amazon hứng chịu nỗi đau từ sự phát triển quá nhanh vào cuối những năm 1990, đầu những năm 2000. Các cơ sở phải đóng cửa nhiều tiếng liền vì sự cố hệ thống, từng đống sản phẩm xếp la liệt quanh nhân viên mà không được chú ý, không hề có sự chuẩn bị cho danh mục sản phẩm mới.
Khi bắt đầu giới thiệu sản phẩm nhà bếp, các con dao không được bao bọc cẩn thận đã va chạm mạnh với băng tải hàng, cực kỳ nguy hiểm.
Đội hình “hai chiếc pizza”
Năm 2002, Bezos giới thiệu mô hình làm việc “hai chiếc pizza”, chia thành các nhóm làm việc dưới 10 người, con số hoàn hảo để phục vụ 2 chiếc pizza vào bữa tối. Các đối này phải lập mục tiêu ngặt nghèo với các phép toán để đo lường thành công. Theo dõi các mục tiêu này là cách Bezos quản lý nhân viên của mình.
Trước Google Street View, Amazon cũng có “Block View”
Năm 2004, Amazon ra mắt công cụ tìm kiếm A9.com. Nhóm A9 khởi động dự án Block View, liên kết ảnh chụp các cửa hiệu, nhà hàng với kết quả tìm kiếm của A9. Với ngân sách dưới 100.000 USD, Amazon cử nhiếp ảnh gia đến 20 thành phố lớn, thuê xe và bắt đầu chụp ảnh. Amazon từ bỏ Block View năm 2006.
Nhân viên Amazon được hét vào mặt sếp
Amazon thuê nhiều lao động thời vụ song các kỳ nghỉ lễ luôn là thời gian đặc biệt ức chế với đội ngũ logistics. Đầu những năm 2000, Jeff Wike, Giám đốc điều hành Amazon, cho phép bất kỳ nhân viên nào cũng được nhắm mắt, hít sâu và hét vào điện thoại khi gọi cho ông ở âm lượng lớn nhất có thể để giải tỏa căng thẳng.
“Fiona” là tên mã đầu tiên của Amazon Kindle
Tên đầu tiên của Kindle xuất phát từ cuốn sách “The Diamond Age” của Neal Stephenson. Đây là cuốn tiểu thuyết kể về thời tương lai khi một kỹ sư muốn đánh cắp các cuốn sách điện tử để tặng cho cô con gái Fiona của mình. Đội phát triển nguyên mẫu Kindle đã nghĩ về những cuốn sách này để làm hình mẫu cho sản phẩm họ hướng đến.
Nhóm cầu xin Bezos giữ lại cái tên Fiona song không thành công. Ông chọn tên Kindle vì nó liên tưởng đến sự nhen nhóm một ngọn lửa (Kindle trong tiếng Anh có nghĩa là nhen, nhóm lửa).
Jeff Bezos có thể “hét ra lửa”
Bezos nổi tiếng vì tính khí nóng nảy và những phản hồi đáng sợ khi nhân viên không làm ông hài lòng. Có tin đồn ông chủ Amazon cần phải có huấn luyện viên riêng để giúp ông kiềm chế. Một trích đoạn trong cuốn sách của Brad Stone viết: Trong một cuộc họp đáng nhớ, Bezos khiển trách Diane Lye và đồng nghiệp của cô theo phong cách hùng hổ vốn có, mắng họ là đồ ngu ngốc và nói họ “quay lại đây trong một tuần nữa sau khi nghĩ kỹ về những gì đã làm”.
Không có nhận xét nào: